NGƯỜI HỌC CHƯA HIỂU LÀ NGƯỜI DẠY CHƯA HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ

Nền kinh tế máy bán hàng tự động

Trong giai đoạn hiện nay, máy bán hàng tự động nổi lên như một mô hình kinh doanh phù hợp với những cá nhân ít vốn muốn làm ông bà chủ của chính mình hoặc có thêm thu nhập bên cạnh công việc chính bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tháng 7-2020, giữa cao điểm dịch COVID-19 tại Mỹ, chị Jalea Pippens (23 tuổi), nhân viên y tế tại Bệnh viện St. John ở thành phố Detroit, bang Michigan, bị cắt giảm giờ làm. Lên mạng nghiên cứu cách kiếm tiền thêm bên ngoài, Jalea bị hấp dẫn bởi một bài hướng dẫn khởi nghiệp bằng máy bán hàng tự động. Những việc cần làm nghe có vẻ tủn mủn và lặp lại nhàm chán: mua bánh trái giá sỉ, nạp hàng vào máy và thu gom những tờ tiền nhàu nhĩ và tiền xu tính bằng xô. Nhưng Jalea nhìn thấy ở đó một cơ hội để trở thành cô chủ.

Chị rủ bạn trai và một người bạn khác cùng hùn hạp vốn làm ăn, mua một máy bán hàng tự động đã qua sử dụng từ một người rao bán trên Facebook với giá 1.600 USD (khoảng 37 triệu đồng) và đặt máy tại một cửa hàng bán phụ tùng ôtô. Hiện mỗi tháng nhóm của Jalea thu về 400 USD, chưa trừ chi phí từ chiếc máy này. “Trước đó tôi chưa từng nghĩ về máy bán hàng tự động. Tôi còn không biết mình có thể sở hữu chúng” - chị nói với The Hustle.

Làm giàu từ tiền lẻ

Dịch COVID-19 đã chứng kiến một làn sóng những nhà đầu tư mới như Jalea nhảy vào mảng kinh doanh không đòi hỏi nhiều vốn hay kinh nghiệm - những giáo viên, nhân viên y tế, thợ máy và sinh viên sẵn sàng đếm lợi nhuận được tính bằng từng tờ tiền lẻ 1 USD để trang trải cuộc sống từ khoản dành dụm khiêm tốn.

Trên thế giới hiện có khoảng 15 triệu máy bán hàng tự động, khoảng 1/3 trong số đó được đặt tại Mỹ, theo báo cáo công bố hồi tháng 3-2020 của Công ty nghiên cứu thị trường Research and Markets (Ireland). Trong số 5 triệu máy tại Mỹ, chỉ có khoảng 2 triệu máy còn đang hoạt động, đem về 7,4 tỉ USD doanh thu mỗi năm cho chủ nhân, theo một báo cáo khác của IBISWorld. Con số này đồng nghĩa một người trưởng thành trung bình ở Mỹ chi tiêu xấp xỉ 35 USD/năm để mua hàng từ máy bán hàng tự động.

Hàng hóa có thể kinh doanh bằng máy bán hàng tự động thì nhiều vô kể: từ những món phổ biến như nước giải khát và bánh snack cho đến đủ thứ kỳ hoa dị thảo như cua sống, giun đất dùng làm mồi câu cá, thuốc tránh thai khẩn cấp, cho đến các vật dụng không thể thiếu mùa COVID-19 như khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn. Giá cả cũng vô chừng: có món chỉ 0,5 USD (kẹo cao su) nhưng cũng có những vật giá trị lên đến vài trăm USD như trứng cá tầm muối hay nhẫn đính hôn, theo báo cáo của IBISWorld.

Máy bán hàng tự động có nhiều điểm hấp dẫn các nhà kinh doanh nhỏ lẻ: chi phí thấp, khả năng mở rộng quy mô, quy trình vận hành đơn giản và giờ giấc linh hoạt. Một tay mơ chỉ cần khoản đầu tư ban đầu chưa đến 2.000 USD để sở hữu một chiếc máy đã qua sử dụng và nạp đầy hàng vào đó. Lợi nhuận thu về trong thời gian đầu có thể dùng để tái đầu đầu tư mở rộng quy mô. Quy trình nạp hàng và gom tiền có thể được giản lược chỉ còn vài lần mỗi tháng với số lượng máy ít, và giờ giấc làm việc hoàn toàn do người sở hữu máy chủ động sắp xếp.

Nhưng khởi nghiệp với máy bán hàng tự động cũng có những khó khăn nhất định của nó. Đầu tiên là tìm được máy phù hợp. Một máy bán hàng tự động mới nguyên mua từ nhà sản xuất có giá từ 3.000-8.000 USD, trong khi máy đã qua sử dụng được chào bán rẻ hơn nhiều trên các sàn trao đổi đồ cũ, có khi chỉ từ 300 USD, nhưng bù lại độ tin cậy cũng thấp như giá bán.

Khi đã chọn được máy thích hợp, câu hỏi tiếp theo là tìm nơi đặt máy. Vị trí đặt máy mang tính quyết định cao nhất đến doanh số, và tìm được một vị trí tốt cũng là thách thức lớn nhất mà những người mới bắt đầu kinh doanh thường gặp phải.

Hầu hết các vị trí đắc địa - những nơi có nhiều người qua lại hoặc có đông nhân viên - đã bị những người đi trước chiếm hết. Một số người sở hữu máy bán hàng được The Hustle liên hệ tiết lộ họ từng phải gọi hơn 100 cuộc điện thoại để chốt được một vị trí vừa ý và phải chấp nhận chia từ 10-25% doanh thu cho chủ cơ sở nơi họ đặt máy. Số khác chọn cách thương thuyết để mua lại máy bán hàng tọa lạc sẵn ở những chỗ đẹp hoặc đưa ra mức ăn chia hấp dẫn hơn để hất cẳng đối thủ. “Bạn phải xem đây là một cuộc chơi không khoan nhượng, người này được thì người kia mất” - chị Alyssa Howard (28 tuổi), người sở hữu 22 máy bán hàng tự động ở bang Colorado, đưa ra lời khuyên.

Kiếm tiền không dễ

The Hustle khảo sát 23 người sở hữu máy bán hàng ở nhiều quy mô khác nhau tại Mỹ và thống kê số lượng máy trung bình mà mỗi người sở hữu là 13, với doanh thu bình quân 309 USD/máy/tháng. Trên thực tế, doanh thu mỗi máy có thể dao động từ 75 USD đến 650 USD/tháng tùy thuộc vị trí, những người được khảo sát cũng thừa nhận giữa số máy mà họ sở hữu cũng có sự chênh lệch lớn về doanh thu. “Có máy chỉ bán được 25 USD/2 tuần, có máy kiếm được 600 USD” - anh Everett Brown (32 tuổi), tài xế công nghệ ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, nói về việc kinh doanh tay trái của mình.

Tiền mua hàng hóa để nạp lại vào máy ngốn khoảng 50% doanh thu. Để tối ưu hóa lợi nhuận, những người sở hữu máy bán hàng tự động thường mua hàng tại các điểm bán sỉ và niêm yết giá bán lẻ gấp đôi. Ngoài tiền mua hàng, người kinh doanh còn phải tính đến các chi phí khác như tiền bảo hiểm, tiền hoa hồng chi trả cho chủ địa điểm, phí giao dịch thẻ (đối với máy chấp nhận thanh toán thẻ), phí kho bãi (để chứa máy không sử dụng), tiền xăng xe, bảo trì và thuế má. Chi phí dịch vụ hậu cần cũng cần được tính đến: các máy bán hàng tự động nặng từ 200-400 kg và đòi hỏi các thiết bị chuyên dụng khi cần di dời đến vị trí mới.

Trừ hết các chi phí, với doanh thu 5.000 USD/tháng, người chủ sở hữu máy bán hàng tự động có thể kiếm được lợi nhuận vào khoảng 2.000 USD, theo The Hustle. Để xem việc kinh doanh bằng máy bán hàng tự động như công việc toàn thời gian đem lại mức thu nhập đủ sống, người chủ sở hữu phải mở rộng quy mô lên đến hàng chục máy.

Hai vợ chồng Barry và Lori Strickland ở thành phố San Diego, bang California hiện cung cấp khóa học trực tuyến và dịch vụ tư vấn cho những người muốn tham gia kinh doanh bằng máy bán hàng tự động với giá không hề rẻ: 297 USD cho khóa học và 97 USD/tháng cho dịch vụ tư vấn. Cặp đôi được xem là bậc lão làng trong giới: khởi nghiệp từ năm 1989 và đã mở rộng mạng lưới lên 250 máy với doanh thu 500.000 USD/năm trước khi nhượng lại toàn bộ công việc kinh doanh để nghỉ hưu.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, vợ chồng nhà Strickland cho biết số lượng người đăng ký học đã tăng vọt, chỉ tính riêng trong năm nay đã có 200 học viên đăng ký. “Chúng tôi đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ những người mất việc, bị giảm giờ làm và muốn chuyển sang kinh doanh bằng máy bán hàng để tự mình làm chủ” - ông Barry cho biết.

Mặc dù vậy, ông cũng thừa nhận ngành kinh doanh này cũng đang chịu ảnh hưởng không nhỏ: hầu hết chủ sở hữu ghi nhận doanh thu giảm từ 10-50% so với trước dịch khi trường học, công sở và những nơi tập trung đông người phải đóng cửa. Ngược lại, các máy bán hàng đặt tại bệnh viện và nhà dưỡng lão vẫn đắt khách. “Máy bán hàng tự động vẫn an toàn hơn kinh doanh ngành hàng ăn uống chế biến tại chỗ vì hạn chế tiếp xúc giữa người với người. Đây cũng là một ngành kinh doanh được nhiều người đánh giá là ít chịu tác động của các đợt suy thoái kinh tế” - ông Barry nhận xét.

VendingNation, một nhóm Facebook dành cho những người khởi nghiệp với máy bán hàng, đã chứng kiến số lượng thành viên tăng hơn gấp đôi từ 6.000 lên 14.500 từ tháng 1 năm nay. Jalea, nhân viên y tế được nhắc đến ở đầu bài viết, là một trong số các thành viên mới. Ba tháng sau khi mua chiếc máy bán hàng đầu tiên, Jalea đã mở rộng quy mô lên 15 máy đặt rải rác khắp Detroit, kiếm hơn 4.000 USD doanh thu mỗi tháng - phần lớn được cô dùng để tái đầu tư vào hệ thống. “Trước đây mỗi khi đi ngang máy bán hàng ở chỗ làm, tôi thường tiêu ít nhất là 5 USD. Bây giờ tôi là người thu tiền của người khác” - chị Jalea hóm hỉnh.■

Điều làm cho ngành kinh doanh này độc đáo là sự phân tầng của nó: thị trường được tạo nên từ hàng nghìn nhà kinh doanh độc lập quy mô nhỏ và không có cá nhân hay doanh nghiệp nào sở hữu trên 5% thị trường. Theo báo cáo năm 2020 của IBISWorld, 2 triệu máy bán hàng đang hoạt động tại Mỹ hiện thuộc sở hữu của 17.600 đơn vị kinh doanh nhỏ, phần lớn chỉ có số nhân viên đếm được trên đầu ngón tay.

Công nghệ đã giúp giảm thiểu một trong những phí tổn lớn nhất của công việc kinh doanh này: thời gian đến thăm từng máy để nạp hàng và gom tiền. Một người sở hữu 35 máy bán hàng tự động cách đây 20 năm sẽ cứ cách ngày lại phải đánh xe đến từng máy để kiểm kê hàng hóa bằng tay. Giờ thì công nghệ cho phép chủ nhân theo dõi lượng hàng tồn trong máy thông qua một ứng dụng di động tiện lợi. Khoảng 70% người sở hữu máy bán hàng tự động ở Mỹ có ứng dụng công nghệ để theo dõi doanh số bán hàng và hàng tồn kho trong thời gian thực.

Xem thêm: 

>>> Giá máy bán hàng tự động tại Việt Nam bao nhiêu tiền?

Tin tức mới nhất